1. Tại sao mẹ bầu nên có lịch khám thai định kỳ
Tuân theo một lịch khám thai định kỳ do bác sĩ đưa ra là một điều rất nên làm đối với phụ nữ có thai. Việc này giúp cho cả mẹ và thai nhi đảm bảo sức khỏe trong suốt thai kỳ. Bởi chúng có những lợi ích sau:
- Trong các buổi khám, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tính ổn định và phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cũng như cung cấp tư vấn chăm sóc thai một cách tốt nhất.
- Kiểm tra kích thước, nhịp tim và vị trí của thai nhi để đảm bảo sự phát triển bình thường. Đây là những xét nghiệm giúp phát hiện sớm những dị tật hoặc bệnh lý bẩm sinh có thể gặp hoặc các vấn đề khác như thiếu dinh dưỡng, thiếu ối. Phát hiện sớm những điều này giúp gia đình và bác sĩ có kế hoạch can thiệp kịp thời.
- Lịch khám thai định kỳ còn giúp mẹ bầu phát hiện ra các bệnh lý thai kỳ có thể gặp phải như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật hoặc thiếu máu. Những vấn đề đến với mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn gây hại trực tiếp đến thai nhi. Ví dụ với những chứng bệnh kể trên, bé sinh ra sẽ có nguy cơ sinh non, trí tuệ và thể chất kém phát triển,...
- Ngoài ra, mẹ bầu sẽ nhận được những lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh bệnh như tiểu đường thai kỳ, cúm.... các bài tập thể dục an toàn và cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu
Xem thêm: TOP 10 APP THEO DÕI THAI KỲ TỐT NHẤT HIỆN NAY MÀ BÀ BẦU NÊN BIẾT
2. Lịch khám thai định kỳ chi tiết cho mẹ bầu
Lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu thường được chia thành các giai đoạn khác nhau, ứng với mỗi giai đoạn mang thai của mẹ. Thường thì những lần khám sẽ được chia vào các giai đoạn gọi là tam cá nguyệt thai kỳ. Từ khi thụ thai đến khi sinh thì thai được chia làm 3 tam cá nguyệt, với tam cá nguyệt đầu tiên từ 0-12 tuần tuổi, sau đó là 13-27 tuần và tam cá nguyệt cuối cùng rơi vào tuần thứ 28 trở đi.
Xem thêm: BÀ BẦU TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ NÊN ĂN GÌ ĐỂ THAI KHỎE MẠNH?
2.1. Mốc khám thai trong tam cá nguyệt thứ nhất
Trong tam cá nguyệt đầu tiên (từ 0-12 tuần) thì lịch khám thai định kỳ rất quan trọng để theo dõi sức khỏe ban đầu của mẹ và thai nhi. Khoảng thời gian 3 tháng đầu tiên này là lúc các tế bào hình thành nên hệ cơ quan của thai nhi đang bắt đầu phân chia cộng thêm việc cơ thể mẹ vừa thay đổi khi mang bé trong bụng nên việc phát hiện sớm những nguy cơ tiềm ẩn là rất cần thiết.
Thông thường mẹ bầu sẽ có 2 lần khám trong giai đoạn này. Lần khám đầu tiên vào lúc ngay sau khi phát hiện mang thai. Tại đây bác sĩ sẽ tiến hành các bước kiểm tra cơ bản như;
- Xác nhận thai bằng cách siêu âm để kiểm tra vị trí thai (xem thai ở trong hay ngoài tử cung), xác định tim thai.
- Làm xét nghiệm máu bao gồm: Kiểm tra nhóm máu, tình trạng RH, hàm lượng hormone thai kỳ, xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như HIV, các chủng viêm gan và các bệnh khác có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
- Tư vấn cách chăm sóc thai kỳ gồm chế độ dinh dưỡng, vận động,...
Lần khám thai thứ 2 sẽ rơi vào khoảng tuần thứ 10-12. Trong lần khám này bác sĩ tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài những xét nghiệm ở lần 1, trong lần 2 này bác sĩ còn làm siêu âm độ mờ da gáy để kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng Down. Các chỉ số cá nhân của mẹ như chiều cao, cân nặng, hàm lượng các hormone cũng liên tục được cập nhật.
Mốc khám thai trong tam cá nguyệt thứ nhất
2.2. Mốc khám thai trong tam cá nguyệt thứ hai
Trong tam cá nguyệt thứ hai (từ tuần thứ 13 - 27), lịch khám thai định kỳ rất quan trọng để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ. Giai đoạn này thường bao gồm ba lần khám quan trọng.
Lần khám thứ 3 vào tuần thứ 16 thai kỳ. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để xem thai nhi phát triển có đúng theo chuẩn hay không và kiểm tra cấu trúc cơ thể ban đầu. Nếu chưa thực hiện Double Test trong tam cá nguyệt đầu, bác sĩ có thể thực hiện Triple Test để đánh giá nguy cơ dị tật ống thần kinh và hội chứng Down. Sức khỏe của người mẹ cũng được kiểm tra với các bài kiểm tra huyết áp, cân nặng và các chỉ số khác để phát hiện sớm các nguy cơ như tiền sản giật.
Lần khám thứ 4 vào tuần thứ 20 đến 22. Lúc này sẽ có một lần siêu âm quan trọng đó là siêu âm hình thái học, giúp kiểm tra cấu trúc cơ thể một cách toàn diện, bao gồm các cơ quan của thai nhi như tim, phổi, thận, não và xương. Qua đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh cho bé. Đây cũng là khoảng thời gian có thể xác định được giới tính của con.
Lần khám thứ 5 vào tuần thứ 24 đến 26. Các xét nghiệm quan trọng sẽ được bác sĩ thực hiện như xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Một số mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván để phòng nhiễm trùng sau sinh. Ngoài ra các chỉ số sức khỏe chung được theo dõi chi tiết.
Mốc khám thai trong tam cá nguyệt thứ hai
2.3. Mốc khám thai trong tam cá nguyệt thứ ba
Lịch khám thai định kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba rất quan trọng để theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Mẹ bầu thường sẽ có nhiều lần khám hơn 2 giai đoạn đầu.
Lần khám thứ 6 ở tuần 28 mẹ bầu sẽ tiêm mũi đầu uốn ván nếu ở lần 5 chưa tiêm. Sức khỏe tổng quát bao gồm huyết áp, cân nặng của mẹ sẽ được kiểm tra. Sự phát triển của thai nhi được theo dõi kỹ càng. Nếu có triệu chứng, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm hồng cầu để kiểm tra tình trạng thiếu máu.
Lần khám thứ 7 ở tuần thứ 30-32 bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí thai nhi xem có đang đúng vị trí (đầu chúc xuống) hay không. Đây là yếu tố quan trọng cho việc sinh thường. Siêu âm có thể được thực hiện để kiểm tra kích thước, cân nặng và tình trạng nước ối của thai nhi. Nếu cần, mẹ bầu sẽ được kiểm tra đường huyết để phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Lần khám thứ 8 vào tuần 34 thai kỳ, mẹ bầu được tiêm uốn ván mũi 2. Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu của việc chuyển dạ sớm. Vào tuần thứ 36 trở đi, mẹ bầu nên đi khám hàng tuần cho đến khi nhập viện. Mẹ bầu sẽ được khám mỗi tuần để theo dõi vị trí thai, nhịp tim thai, và các chỉ số như huyết áp, cân nặng. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá độ mở cổ tử cung để dự đoán thời điểm sinh nở.
Mốc khám thai trong tam cá nguyệt thứ ba
3. Một số lưu ý cần ghi nhớ khi đi khám thai định kỳ
Khi có lịch khám thai định kỳ, mẹ bầu cần lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo việc theo dõi sức khỏe của mình và thai nhi diễn ra hiệu quả:
- Lên lịch khám đúng thời gian, đúng lịch là điều cần thiết để bác sĩ có thể theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cần nắm rõ lịch hẹn và đến khám đúng thời gian.
- Chuẩn bị các câu hỏi cho bác sĩ, trước khi đi khám về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng bất thường hoặc những câu hỏi về dinh dưỡng, vận động, và các thói quen sinh hoạt. Điều này giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về thai kỳ và những việc cần thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Mang theo các kết quả xét nghiệm hoặc hồ sơ y tế để bác sĩ có thể theo dõi chính xác tiến trình thai kỳ gồm các kết quả xét nghiệm, siêu âm hoặc hồ sơ y tế từ các lần khám trước. Điều này giúp bác sĩ nắm bắt rõ ràng tình hình và đưa ra chẩn đoán phù hợp.
- Uống đủ nước trước khi siêu âm vì khi siêu âm, đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu thường cần có bàng quang đầy để giúp hình ảnh siêu âm rõ nét hơn.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường trong thời gian mang thai như ra máu, đau bụng dữ dội, hoặc thai nhi không cử động nhiều, cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra.
Lưu ý khi đi khám thai định kỳ
Xem thêm: TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ LÀ GÌ? DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ DỨT ĐIỂM
4. Kết luận
Nắm được lịch khám thai định kỳ và tuân thủ chúng là một việc rất quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý ghi nhớ. Việc khám thai giúp cho cả mẹ và bé đảm bảo được sức khỏe ổn định cũng như sự phát triển bình thường của thai nhi. Hy vọng với bài viết trên, CafeMom đã giúp được các bạn có cái nhìn chi tiết và bổ ích hơn trong quá trình dưỡng thai của mình. Hẹn gặp lại các mẹ trong những bài viết bổ ích sau.